Tu Tập Để Sống Lâu, Sống Khỏe và Sống Vui Vẻ

by Hoà Thượng Thích Phụng Sơn (Hozan Roshi)

Khi đức Phật đang ở trong vườn Cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ thì lúc ấy vua Ba-tư-nặc ngồi một mình ở một nơi yên tĩnh và nghĩ là có ba thứ mà tất cả thế gian không yêu, không mến là già, bệnh và chết nên chư Phật mới xuất hiện ở đời và hướng dẫn cho chúng sanh thoát khỏi sự khổ đau của gìa, bệnh và chết.

Chuyển ngược khổ đau

Sau khi nghĩ như thế, vua Ba-tư-nặc đến chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân ngài và đem những điều suy nghĩ ấy bạch lên Thế Tôn. Đức Phật bảo vua Ba-tư-nặc:

“Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Đây có ba pháp mà thế gian không yêu, không mến là già, bệnh, chết,… thế gian biết có pháp mà chư Phật Như Lai đã giác ngộ rồi vì con người diễn nói rộng rãi.” (Kinh Tạp A Hàm. Quyển 46, Kinh Ba Pháp. H.T. Thích Minh Châu dịch.)

Tiếp đó, đức Phật nói thêm bài kệ nhắc nhở nhà vua cần tu tập để được an ổn trong sự thay đổi làm cho thân thể hư hoại:

“Xe báu của vua đi,

Cuối cùng cũng hư hoại.

Thân này cũng như vậy,

Biến chuyển sẽ về già.

Chỉ chánh pháp Như Lai,

Không có tướng suy, già.

Người nhận chánh pháp này,

Luôn đến chỗ an ổn...”

Trong một dịp khác, đức Phật giảng cho ông Cấp Cô Độc, một Phật tử cao niên thuần thành và cũng là một trong những người giàu có nhất thời đó, về sự thực hành để có được năm điều như ý là tuổi thọ, an lạc, dung sắc, tiếng tốt và lúc qua đời vãng sanh về chốn an lành như sau:

“Có năm pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ khả lạc. Này Gia chủ, vị thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không thể cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn tới thọ mạng. Do đó vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng.”

(Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Vua Munda, kinh Khả Lạc, H.T. Thích Minh Châu dịch.) Trong Kinh Khả Lạc, ngoài việc tăng tuổi thọ, đức Phật dạy chúng ta cần phát triển tốt đẹp đời sống để có dung sắc (mà chúng ta thường gọi là ngoại hình) tốt, được người khác khen ngợi do làm được những việc tốt đẹp và sau khi qua đời vãng

sanh về cõi lành: “ Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc…”

Ngày nay, các cuộc nghiên cứu khoa học về di truyền cho thấy sự thực hành tu tập theo đạo Phật liên hệ rất mật thiết với sức khỏe, sự gia tăng tuổi thọ, ngoại hình tốt và đời sống hạnh phúc.

Khổ và nguyên nhân của khổ

Đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế trong đó khởi đầu từ khổ, đến nguyên nhân nào làm cho khổ phát sinh, thực hành phương pháp để hết khổ và sống đời an lạc. Đó là khổ, khổ tập, khổ tập diệt và khổ tập diệt đạo.

Khổ về thân thì chúng ta ai cũng biết là già, bệnh và chết. Ngày nay khoa học cho thấy lý do con người bị già và bệnh là do gen, hay DNA, là chủng tử di truyển, chứa trong hai vòng xoắn nhiễm sắc thể trong tế bào của cơ thể con người, bị già và hư hại. Điều này đưa đến kết quả là chúng ta bị già vì vì các tế bào hết hoạt

động hữu hiệu như trước. Hình nhiễm sắc thể là hai vòng xoắn chứa DNA (các thanh ngang). Tận cùng nhiễm sắc thể có phần ti lô mia (telomere) bảo vệ để khỏi bị hư hại.

Nhưng tại sao DNA bị già và bị hư hại? Các nhà khoa học chỉ đích danh thủ phạm: Telomere (đọc tiếng Việt: ti lô mia). Ti lô mia là một cấu trúc ở đuôi nhiễm sắc thể có nhiệm vụ bảo vệ nhiễm sắc thể không bị hư hại. Qua công trình nghiên cứu chức năng của ti lô mia và chất telomerase mà bác sĩ Elizabeth Blackburn và vị đồng nghiệp nhận được giải Nobel Y khoa vào năm 2009. Khám phá này có thể tóm lại như sau: các tế bào sinh ra bằng cách tách ra làm hai, hay phân đôi, để cơ thể có tế bào mới làm cho da mới, xương, thịt, máu mới thay cho những tế bào chết. Mỗi lần tế bào phân đôi thì ti lô mia bị ngắn đi một đoạn nhỏ. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì:

- Độ dài của Telomere được xem là yếu tố hàng đầu cho biết về giai đoạn (thời gian kéo dài) của sức khỏe của chúng ta nên qua đó mà chúng ta biết được tổng số tuổi thọ của mình sẽ là bao nhiêu.

- Telomere ngắn liên quan đến bệnh tim và bệnh phổi, chậm nhận thức, giảm trí nhớ, chứng Alzheimer và viêm. Viêm là đầu mối của rất nhiều bệnh tật. (1)

Ngoại hình và sức khỏe

Đức Phật dạy trong kinh Khả Lạc thực hành phương pháp để cho dung sắc, là ngoại hình, tốt đẹp hơn. Ngày nay khoa học tìm hiểu mức độ các tế bào trong cơ thể chúng ta bị già sớm ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại hình, cảm xúc và hành động.

Chuyên gia nghiên cứu Christensen và các đồng nghiệp tìm hiểu ngoại hình liên quan đến số tuổi phản ánh sức khỏe của mỗi người. Các chuyên gia đã yêu cầu những người tham dự cuộc nghiên cứu học cách ước tính tuổi của một người chỉ bằng cách nhìn vào hình của người đó. Qua cuộc nghiên cứu này họ đã tìm thấy những người có ngoại hình trông già hơn trung bình có ti lô mia ngắn hơn. Nguyên do là ti lô mia bị ngắn hơn thì quá trình lão hóa làm cho da nhăn và tóc bạc sớm hơn. (2)

Cuộc nghiên cứu cho thấy ngoại hình là một yếu tố quan trọng liên hệ đến sức khỏe. Ngoài ra các chuyên gia nghiên cứu Noordam và Kido cùng các đồng nghiệp cũng tìm thấy những người có ngoại hình trông già hơn số tuổi của mình thì có những yếu tố tiêu cực như họ yếu hơn, trí nhớ thường kém hơn, có mức đường glucose và cortisol (lúc nhịn ăn để thử máu) cao hơn và cùng các dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. (3, 4, 5)

Tuy nhiên, bác sĩ Blackburn nhắc nhở vẫn còn có thuốc chữa: “Dù thế, xin bạn đừng lo lắng vì đây mới chỉ là những tác động rất nhỏ ban đầu. Điều quan trọng nơi đây là dù ngoại hình của bạn trông hốc hác, là một dấu hiệu cho biết ti lô mia của bạn cần được bảo vệ nhiều hơn.Tuy nhiên, bên trong thân và tâm chúng ta có những khả năng lớn lao để làm cho ti lô mia phục hồi chức năng tốt đẹp.” (6)

Thông thường nhiều người hay tránh né bàn luận ngoại hình của mình. Tuy nhiên, các nhà khoa học thấy rõ đây là một vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe mà chúng ta cần biết. Để biết rõ điều ấy, bác sĩ Blackburn đề nghị mỗi người chúng ta tự mình trả lời các câu hỏi để biết về ngoại hình, sức khỏe và sự cảm nhận về sức khỏe tương quan với tuổi của chính mình:

1. Ngoại hình. Nhìn thấy mình già hay trẻ:

- Thấy mình trẻ hơn tuổi của mình.

- Thấy mình bằng tuổi của mình.

- Thấy mình già hơn tuổi của mình.

2. Sức khỏe. Đánh giá mức độ sức khỏe của mình:

- Sức khỏe tôi tốt hơn những người đồng tuổi.

- Sức khỏe tôi bằng những người đồng tuổi.

- Sức khỏe tôi kém hơn những người đồng tuổi.

3. Tự cảm nhận về tuổi tác chính mình

- Tôi cảm thấy mình trẻ hơn tuổi của mình.

- Tôi cảm thấy mình bằng tuổi của mình.

- Tôi cảm thấy mình già hơn tuổi của mình. (7)

Tu để chuyển nghiệp thành tốt hơn

Khi trả lời thành thật những câu hỏi trên giúp chúng ta biết về tình trạng sức khỏe của mình. Qua kết quả ấy, bác sĩ Blacburn đưa ra thêm câu hỏi:

- Tại sao có người già sớm, có người già chậm?

- Tại sao có người duy trì được sự sáng suốt lanh lẹ lâu bền,

Trong khi có những người trẻ hơn nhiều lại hay bị bệnh, không còn năng lực hay trí óc lờ mờ?

những câu hỏi trên không phải cho người nào khác mà chính cho bản thân của mỗi chúng ta. Và để biết rõ về những điều liên quan mật thiết đến sức khỏe của mình, bác sĩ Blackburn đề nghị chúng ta hãy thành thật đánh giá mình qua việc tìm hiểu bản thân thuộc loại già hay trẻ:

Bạn cảm thấy thực sự già hay trẽ

Cảm thấy già Cảm thấy trẻ

Hay càu nhàu, gắt gỏng Lạc quan

Khả năng yếu kém, phải lệ thuộc Có khả năng tự mình làm các công việc

Hoạt động chậm lụt Tràn đầy sức sống

Yếu đuối Tự lực

Thấy mình cô đơn Có ý chí sống mạnh mẽ

Hay bối rối Có hiểu biết, khôn ngoan

Có thể chúng ta đôi lúc có các cảm nhận trẻ trung nhưng lại xem kẻ với những cảm nhận của người già. Đức Phật dạy trong Tứ Chánh Cần: Những điều xấu (bất thiện pháp) chưa phát sinh thì đừng để chúng phát sinh, những điều tốt (thiện pháp) chưa phát sinh thì làm cho chúng phát sinh. Đối với các điều tốt đã có thì tu tập để duy trì chúng lâu dài an ổn, không cho quên mất, làm cho tăng trưởng, làm cho lớn rộng, làm cho viên mãn qua sự thực hành tinh cần, tinh tấn, quyết tâm và cố gắng.

Sự thực hành Tứ Chánh Cần như trên vốn rất quan trọng vì liên hệ mật thiết đến độ dài ti lô mia là nền tảng của sức khỏe và niềm hạnh phúc mỗi người. Bác sĩ Blackburn đã đúc kết các cuộc nghiên cừu về ti lô mia và thấy rõ ti lô mia không chỉ đơn giản là thực hiện các lệnh gen di truyền của con người ra lệnh (như phải già đi) mà nó có thể tác động tích cực hơn để giúp con người duy trì sức khỏe thể chất và tâm thần cùng gia tăng tuổi thọ vì ti lô mia trong cơ thể chúng ta đang lắng nghe chúng ta đang tạo nghiệp tốt hay xấu. Nghiệp là thân làm, miệng nói và ý suy nghĩ. Nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện chúng ta đang tạo, là cách chúng ta suy nghĩ, nói năng và hảnh động, là cách chúng ta nói với ti lô mia của mình:

- Nghiệp thiện (từ bi hỷ xả, sống chánh niệm và không chấp ngã): Hãy làm cho tiến trình lão hóa chậm lại, gia tăng sức khỏe và an lạc.

- Nghiệp bất thiện (tham sân si): Hãy làm cho tiến trình lão hóa tế bào nhanh hơn cùng với các thứ bệnh tật phát sinh ra theo luật nhân quả.

Để chuyển nghiệp từ xấu qua tốt, bác sĩ Blackburn khuyến khích mọi người sống đời sống lành mạnh để sống lâu, sống khỏe và sống hạnh phúc. Để đạt được điều ấy, chúng ta cần chú ý đến tất cả ba khía cạnh của cuộc sống:

1. Sức khỏe tâm,

2. Sức khỏe thân và

3. Môi trường sống của chúng ta..

Những điều nói trên liên hệ mật thiết đến đời sống tu tập của người Phật tử. Bác sĩ Blacburn đã tham dự các khóa tu thiền. Bên cạnh kiến thức thâm sâu trong ngành chuyên môn về ti lô mia liên hệ đến sức khỏe con người, bà còn có kinh nghiệm bản thân về niềm an lạc, tâm thư giãn và sự xả bỏ các sự dính mắc cùng thực hành từ bi quán cho người và cho chính mình. Qua đó, bà đã đề nghị thực hành những cách cụ thể để phát triển:

1. Sức khỏe tinh thần,

1) Giảm căng thẳng,

2) Có tinh thần kiên cường, là có sức chịu đựng bền bĩ, mà đạo Phật gọi là tính kham nhẫn.

3) Có cái nhìn tích cực.

4) Giảm lo âu qua cách quản lý trầm cảm. Bà cũng quan tâm rất nhiều về sức khỏe thể chất liên hệ đến độ dài ti lô mia:

2. Sức khỏe thể chất

1) Vận động thể lực mỗi ngày đúng số lượng.

2) Ngủ đủ giấc.

3) Duy trì mức cơ thể cân nặng khỏe mạnh (mức độ bụng lớn và độ nhạy insulin),

4) Thực hành chế độ ăn uống tốt (omega-3, rau tươi, dầu lanh và hạt lanh (flax seed), giảm tiêu thụ thịt đỏ và thực phẩm chế biến, thực phẩm và đồ uống có đường.

Và phần kế tiếp là gia đình và cộng đồng chúng ta đang sống:

3. Môi trường sống của chúng ta.

1) Duy trì mối quan hệ lành mạnh với môi trường của chúng ta, đặc biệt là khu phố của chúng ta,

2) Duy trì mối quan hệ lành mạnh với những người thân yêu của chúng ta.

3) Đặc biệt cho con cháu chúng ta: hỗ trợ các cháu nhỏ và tạo một môi trường ấm áp, nuôi dưỡng lành mạnh. (8)

Những điều các nhà khoa học đề nghị nói trên đã được đức Phật chỉ dạy cụ thể trên hai ngàn năm trăm năm trước đây trong kinh Phước Đức

Thiên và nhân thao thức

Muốn biết về phước đức

Để sống đời an lành

Xin Thế Tôn chỉ dạy".

Và sau đây là lời Đức Thế Tôn:

"Lánh xa kẻ xấu ác

Được thân cận người hiền

Tôn kính bậc đáng kính

Là phước đức lớn nhất.

"Sống trong môi trường tốt

Được tạo tác nhân lành

Được đi trên đường chánh

Là phước đức lớn nhất".

"Có học, có nghề hay

Biết hành trì giới luật

Biết nói lời ái ngữ

Là phước đức lớn nhất".

"Được cung phụng mẹ cha

Yêu thương gia đình mình

Được hành nghề thích hợp

Là phước đức lớn nhất & quot;.

"Sống ngay thẳng, bố thí,

Giúp quyến thuộc, thân bằng

Hành xử không tỳ vết

Là phước đức lớn nhất & quot;.

"Tránh không làm điều ác

Không say sưa nghiện ngập

Tinh cần làm việc lành

Là phước đức lớn nhất & quot;

Biết khiêm cung lễ độ

Tri túc và biết ơn

Không bỏ dịp học đạo

Là phước đức lớn nhất ".

Biết kiên trì, phục thiện

Thân cận giới xuất gia

Dự pháp đàm học hỏi

Là phước đức lớn nhất".

"Sống tinh cần, tỉnh thức

Học chân lý nhiệm mầu

Thực chứng được Niết bàn

Là phước đức lớn nhất".

"Chung đụng trong nhân gian

Tâm không hề lay chuyển

Phiền não hết, an nhiên,

Là phước đức lớn nhất".

"Ai sống được như thế

Đi đâu cũng an toàn

Tới đâu cũng vững mạnh

Phước đức của tự thân".

(Mahamangala sutta, Sutta Nipata II)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch


Tài liệu tham khảo

1. Blackburn, Dr. Elizabeth (2017). The Telomere Effect: A

Revolutionary Approach to Living Younger, Healthier, Longer.

Grand Central Publishing. Kindle Edition.

2. Christensen, K., et al., (2009) Perceived Age as Clinically Useful

Biomarker of Ageing: Cohort Study, BMJ 339: b5262.

3. Kido, M., et al., “Perceived Age of Facial Features Is a

Significant Diagnosis Criterion for Age- Related Carotid

Atherosclerosis in Japanese Subjects: J-SHIPP Study,” Geriatrics


10


and Gerontology International 12, no. 4 (October 2012): 733-

740, doi:10.1111/j. 1447- 0594.2011.00824.x.

4. Noordam, R., et al., “Cortisol Serum Levels in Familial Longevity

and Perceived Age: The Leiden Longevity Study,”

Psychoneuroendocrinology 37, no. 10 (October 2012): 1669–

1675;

5. Noordam, R., et al., “High Serum Glucose Levels Are Associated

with a Higher Perceived Age,” Age (Dordrecht, Netherlands) 35,

no. 1 (February 2013): 189– 195, doi:10.1007/ s11357- 011-

9339-9.

6. Blackburn, Dr. Elizabeth (2017). Sách đã viện dẫn, trang 28.

7. Như trên (Kindle Locations 349-358).

8. Như trên. Toàn thể cuốn sách.